• HOME PAGE
  • About
  • MỤC ĐÍCH
  • TIN TỨC
  • NIỀM TIN
  • Events
  • LIÊN LẠC

"Ai xin sẽ được, ai tim sẽ thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở cho." (Lk.11:9)

Find our location
Hội "ÁN TUYÊN THÁNH" Cha TRƯƠNG BỬU DIỆPHội "ÁN TUYÊN THÁNH" Cha TRƯƠNG BỬU DIỆP
  • HOME PAGE
  • About
  • MỤC ĐÍCH
  • TIN TỨC
  • NIỀM TIN
  • Events
  • LIÊN LẠC

Án Tuyên Thánh CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP

WE BELIEVE THAT GOD LOVES.

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp :

« Tôi tớ Thiên Chúa »

 Tôi tớ Thiên Chúa là gì ?

Có hai khả năng :

1. Đấy là một con người đã sống một cách anh dũng các đức tính Kitô giáo. Cuộc sống của vị ấy là một gương mẫu tốt cho các Kitô hữu ngày hôm nay noi theo.

2. Đó là một con người đã bị giết vì hận thù chống đức tin, hay đức tính – đã chết vì đạo. Cái chết này là một bằng chứng để cổ vũ, khích lệ các Kitô hữu ngày nay, để họ sống cách can đảm ở giữa đủ mọi loại thử thách.

Câu hỏi : Quý vị nghĩ rằng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đúng là một tôi tớ Thiên Chúa sao ? Cha thuộc loại A hoặc loại B ?

Nhưng việc ái mộ cha TBD chưa đủ. Sự tin chắc của quý vị vào Ngài chưa đủ. Mẹ Giáo Hội đòi hỏi nhiều hơn ! Giáo hội yêu cầu một cuộc điều tra, một quy trình sâu sắc để thu thập tất cả các loại bằng chứng.

Nếu không làm việc đó thì các tín hữu có nguy cơ bị lừa dối đi theo những kẻ bịp bợm, những người không tốt, không xứng đáng. Trong trường hợp đó chúng ta sẽ bị những người khác tấn công hoặc chế giễu. Như quý vị biết khá rõ, hiện tại các cơ quan chức năng ở Việt Nam khẳng định rằng Cha TBD chỉ là một con chó đi theo thực dân Pháp mà thôi, và chính vì lý do đó cha đã bị giết chết. Giáo Hội có bổn phận tìm ra sự thật, và bảo vệ sự thật. Tìm ra sự thật không dễ dàng, khó lắm. Nên phải kiên nhẫn…

 

Về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp : mục tiêu chính của cuộc điều tra là gì ?

Mục tiêu chính của chúng ta là chứng minh rằng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp thật sự là một vị tử vì đạo. Trong một tiến trình phong thánh, sự tử vì đạo có một định nghĩa nghiêm ngặt. Cần phải chứng minh năm yếu tố :

Cái chết

  1. Phải chứng minh tôi tớ của Thiên Chúa đã chết vì bạo lực. Trong trường hợp xác chết mất đi, đây là một vấn đề lớn. May mắn là thi hài của cha Diệp được khám phá ra ít ngày sau khi qua đời.
  2. Cần phải chứng minh người giết tôi tớ TC là ai, hay nhóm người đã gây ra cái chết ấy, cách trực tiếp hay gián tiếp, là ai. Sự khẳng định cách chung chung không đủ. Trong trường hợp của cha Diệp, nếu mình nói rằng « chính Việt Minh đã làm việc đó, vì họ ghét đạo », thì không bao giờ đủ. Phải có chứng cứ, mà chứng cứ ấy không thể bác bỏ được. Trong trường hợp hiện tại đó là vấn đề lớn ; nếu có thì giờ tôi sẽ nói thêm về việc ấy.
  3. Cần phải xác định những lý do tại sao người hay nhóm bức hại giết Tôi tớ Thiên Chúa. Có phải người truy hại ghét đức tin Kitô giáo, hoặc là một đức tính cần thiết cho đời sống Kitô hữu – thí dụ công bằng hay bác ái ? Đối với cha TBD, cần phải phân biệt rõ ràng giữa lý do chính trị và lý do tôn giáo. Người giết cha ấy có phải là vì ghét Đức Kitô ? Hoặc là ghét thực dân, ghét người Pháp ?
  4. Phải chứng minh rằng Tôi tớ Thiên Chúa đã chấp nhận cái chết. Ngài đã không làm điều đó một cách thụ động như một nạn nhân (ví dụ, khi một tay súng giết chết các sinh viên của một trường học). Ngược lại, Ngài đã chấp nhận cái chết vì sự gắn bó không ngừng với đức tin, với đời sống Kitô hữu, với Giáo hội. Trong trường hợp này, cần phải chứng minh rằng cha Diệp đã biết rằng sự gắn bó với Chúa, ơn gọi linh mục của mình, và lòng bác ái cho mọi người, các việc ấy sẽ dẫn mình đến nguy cơ tử vong, và cha đã chấp nhận đến giờ cuối cùng.

Danh tiếng tử đạo, và sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Thiên Chúa

  1. Toàn bộ quy trình phải chứng minh thêm rằng Tôi tớ Thiên Chúa được hưởng danh tiếng về sự tử vì đạo. Danh tiếng ấy sinh ra tự phát và duy trì hoặc gia tăng qua nhiều năm. Danh tiếng là khi nhiều Kitô hữu thuộc về nhiều tầng lớp khác nhau tin rằng người ấy đã chết vì đạo ; danh tiếng cũng là khi nhiều người được soi dẫn bởi gương mẫu của Tôi tớ Thiên Chúa.

Một điểm cuối cùng cần phải kiểm tra được gọi là « danh tiếng về dấu hiệu », hay « sức mạnh cầu bầu » : đó là ý kiến rộng rãi giữa các Kitô hữu (và có lẽ người lương nữa) mà mình đã hay sẽ nhận được ơn từ Trời qua sự cầu bầu của Tôi tớ Thiên Chúa : nhiều người đến với ngài để cầu nguyện.

Ở đây, về danh tiếng tử đạo và về sức mạnh cầu bầu thì riêng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp hình như không có vấn đề nào !

 

Cách làm việc

Để đạt được sự thật thì phải làm thế nào ? Có hai việc phải theo : (1) căn cứ vào lời chứng thực của nhân chứng sống, và (2) bằng việc nghiên cứu tài liệu.

Vì vậy, giáo phận phải nhận khởi xướng làm việc, lập hồ sơ. Đầu tiên, Đức Cha phải lập nên một ủy ban lịch sử, và thành lập một tòa án để phỏng vấn nhân chứng. Trong trường hợp của Cha TBD, Đức Cha Têphanô Tri Bửu Thiên và các cha thuộc giáo phận Cần Thơ (là nơi cha TBD qua đời), đã làm công việc này. Họ đã làm việc với sự cẩn thận, siêng năng, kỹ càng và đúng cách. Đã phải mất một vài năm, nhưng cần có đủ thì giờ. Riêng tôi cũng tham dự vào việc nghiên cứu, và hơn nữa, để hướng dẫn giáo phận về cách làm việc cho đúng đắn. Nếu không đúng, tất cả là uổng công.

 

Nghiên cứu tài liệu : Ủy ban lịch sử

Theo Huấn thị Sanctorum Mater (2007), « nhiệm vụ của các chuyên gia trong ủy ban lịch sử là tìm kiếm và thu thập tất cả các bài viết của Tôi tớ Chúa ». Riêng Cha Diệp không để lại chữ viết nào, ngoại trừ chữ ký trong các sổ rửa tội, hôn nhân…

Các chuyên gia cũng phải tìm kiếm « mọi tài liệu lịch sử, hoặc viết tay hoặc in ấn, có liên quan đến vụ án cách này hay cách khác ». Trong trường hợp của cha TBD, có tài liệu rất quý ở thư viện của Hội Thừa sai Balê (Paris), mà riêng tôi đã dành thì giờ để nghiên cứu. Rồi có một ít tài liệu ở Giáo phận Cần Thơ, và nhiều cuốn sách hay bài viết về tình hình chung ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau, vào những năm của thập niên 40.

Tòa Thánh đòi hỏi phải có tài liệu của chính người sử dụng bạo lực chống đạo – ví dụ của chính « Bác Hồ », nghĩa là Hồ Chủ tịch. Đã có rồi ! Tìm ra sự thật vẫn là chính !

 

Kết quả của cuộc tìm kiếm và báo cáo về tài liệu

Theo Huấn Thị, kết quả là một bản án tóm tắt về Tôi tớ Thiên Chúa, dựa trên các bài viết và tài liệu được sưu tập : mô tả nhân cách và tâm linh của ngài, các điểm tích cực và tiêu cực ; và về việc tử vì đạo hoặc bị giết chết vì lý do nào khác. Không nên bỏ qua những vấn đề cụ thể gặp phải.

Ủy ban lịch sử của Giáo phận Cần Thơ đã làm một công việc tuyệt vời. Đứng đầu là cha Anbetô Lê Ngọc Bích, cùng với hai giáo sư của Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ. Họ đã mô tả về cha TBD là :

  • Một linh mục thánh thiện
  • Một linh mục sốt sắng
  • Một linh mục nhân từ
  • Một người chăn chiên dành trọn đời sống mỗi ngày cho bầy chiên của mình
  • Một linh mục chết vì đức tin của mình
  • Một người chăn chiên hy sinh mạng sống của mình cho con chiên
  • Một người chăn chiên cầu nguyện cho con chiên bên trong và bên ngoài hàng rào.

Kết luận của ủy ban rất mạnh mẽ và bắt nguồn từ các tài liệu.

Họ cũng soạn tiểu sử của cha Diệp. Trong đó, vấn đề họ đã khám phá ra là về tình hình chung ở vùng Bạc Liêu vào năm 1946. Họ viết : « Từ năm 1945 trở đi, Việt Nam trải qua một tình trạng rối ren về chính trị, xã hội, tôn giáo… Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu ở miền Nam có nhiều đảng phái chính trị và quân đội, như Quân đội Pháp, nhóm quân Cao Đài, và lực lượng Việt Minh. Kết quả là, đã có những cuộc đột kích, các cuộc đụng độ quân sự gây đổ máu, và rất nhiều tàn phá và phá hoại. »

Trong hoàn cảnh như vậy, ai đã giết cha Diệp ? Tài liệu cũng rõ, nhưng nhất định phải có thêm nhân chứng sống để phân định sự thật.

 

Lời chứng : Tòa án Giáo phận

Đứng đầu Tòa án cấp giáo phận là cha Gioan Trần Trọng Dung, chưởng ấn của Giáo phận Cần Thơ. Họ làm việc rất tốt ! Họ đã phỏng vấn :

  • 13 nhân chứng mục kích, gồm có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn ; và một người theo Phật giáo, con trai của chủ lẫm lúa nơi Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp và giáo dân bị giam giữ.
  • 10 nhân chứng về danh tiếng, bao gồm cả cháu gái của chủ lẫm lúa kia ; bà không theo đạo mà yêu mến cha Diệp.

Kết quả, tóm lại, là như thế này (trích lời của tiểu sử trình lên Tòa Thánh) :

« Vào sáng sớm ngày 12 tháng 3 năm 1946, một nhóm chiến binh Cao Đài với vũ khí đột nhiên đến khu nhà thờ Tắc Sậy. Họ tập trung ở sân cả một đám đông hơn trăm người, phần lớn là người công giáo bao gồm cha Phanxicô Diệp, phần còn lại là những người lương. Họ đã bị đưa lên một mảnh đất của ông Châu Văn Sự, một người lương, ở Cây Gừa…

Họ bị đưa vào hai lẫm lúa. Bên ngoài, người bắt giữ họ đã xếp chồng rơm và sợi dây quanh hai lẫm lúa, với nỗ lực đốt cháy chúng…

Cha Diệp đã phải ra ngoài ba lần để bị những người bắt giam thẩm vấn. Sau lần thẩm vấn đầu tiên, cha không có dấu hiệu lo lắng hay buồn phiền. Nhưng sau buổi thẩm vấn thứ hai, khuôn mặt của cha đã trở nên đỏ như bị ai tát.

Lần này, ý thức về cái chết có thể sắp xảy ra, cha khuyên mọi người chuẩn bị cho một cái chết thánh thiện. Cha nghe rất nhiều người xưng tội và giải tội cho họ. Cha cũng đã rửa tội một số người lương, trong số đó có gia đình ông Bá Năng.

Sau khi bị đưa ra khỏi lẫm lúa lần thứ ba, cha Diệp không bao giờ quay lại. Đến chiều tối hôm đó, những người canh gác đã mở cửa nhà kho và thả tất cả. Họ buộc mọi người phải rời Tắc Sậy ngay, nếu không sẽ bị giết.

Ông Huỳnh Văn Số, một người Công giáo đạo đức rất yêu thương cha Phanxicô Diệp, với một nhóm nhỏ, đã đi tìm xác chết của cha. Họ tìm thấy xác cha nằm chết trong ao của ông Châu Văn Mưu. Cơ thể của cha trần truồng, với hộp sọ gần như bị cắt đôi. Có tài liệu cho thấy cha Diệp bị giết bởi hai lính đánh thuê người Nhật Bản, theo lệnh của ông Cao Triều Phát, làm lãnh đạo của một biệt phái Cao Đài, và thuộc hội Tam điểm. Lý do là vì cha không chịu bỏ con chiên và dân của mình. »

 

Và bây giờ, thế nào ?

Kể từ năm 2017, chúng ta đã bước vào giai đoạn thứ hai : là giai đoạn ở Rôma.

Phải hiểu một điều : người duy nhất có quyền công bố rằng Cha TBD là một vị tử vì đạo, ngài thực sự là một vị thánh, đó là Đức Thánh Cha mà thôi. Vì vậy, Rôma phải bắt đầu lại, và phải làm một công việc rất quan trọng.

  1. Roma nên xác minh rằng giáo phận đã thực hiện công việc của mình cách chu đáo. Những người ở giáo phận Cần Thơ có tuân giữ tất cả các quy tắc không ? Nếu không, phải bắt đầu lại. Đó là lý do mà tôi đã làm cố vấn hướng dẫn công việc từ lúc đầu. Đúng vào thời điểm này, Đức Ông Giacobê Pappalardo đang làm công việc thẩm tra kĩ càng này.
  2. Khi công việc ấy xong, phải có người chuyên môn chịu trách nhiệm sắp xếp lại toàn bộ nội dung của lời chứng và tài liệu, để mọi thứ đều rõ ràng và dễ hiểu. Mục tiêu là soạn một bài nghị luận toàn diện về cha TBD, để giải thích rõ ràng mọi thứ trong đời sống và cái chết của Tôi tớ Thiên Chúa. Rôma sẽ bổ nhiệm một vị chuyên môn để giám sát. Tôi hy vọng rằng đó sẽ là cha Zdzislaw Kijas, thuộc dòng Phanxicô Viện Tu, vì cha đã giúp Giáo Hội Lào trong tiến trình phong chân phước cho các Tử Đạo Lào. Thực sự, công việc cụ thể không phải là cha ấy làm : Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên sẽ nhờ một người khác làm điều đó… và tôi đây sẵn sàng, chỉ đợi Rôma chấp thuận !
  3. Sau đó, Rôma phải chứng thực rằng bài nghị luận đúng là sự thật, một sự thật mà các sử gia không thể tấn công. Sẽ có một ủy ban bí mật gồm chín thành viên, chịu trách nhiệm quyết định chi tiết về điều này. Đứng đầu là Đức ông Carmelo Pellegrino, một con người nghiêm túc ; ông sẽ đặt ra tất cả những khó khăn có thể tưởng tượng được, như ông là đại diện cho kẻ thù – thời xưa người làm việc đó được gọi là « trạng sư của quỷ ».
  4. Sau đó, Rôma phải xác nhận rằng chân lý về đời sống và cái chết của cha TBD là sự phản ảnh thực sự của Tin Mừng: gương mẫu mà cha đã để lại sẽ dạy dỗ, giáo dục, hướng dẫn những Kitô hữu ngày nay và trong tương lai. Công việc ấy sẽ được giao cho một ủy ban gồm một vài hồng y và giám mục.

Và về tài chính, thế nào ?

Để làm tất cả những công việc đó, cần có tài chính. Góp phần vào việc này, đã có nhiều ân nhân giúp đỡ, trong đó có chính quý vị. Cha Tuyên đã gây được một quỹ, hiện nay có khoảng hơn 40.000 USD và có sẵn cho Tòa Thánh. Hiện nay, Tòa Thánh đã quyết định mức tài chính phải trả cho công việc ở Rôma, nếu có thể, là khoảng 50.000 USD. Như vậy, tạm thời không cần thêm nhiều nữa. Nhưng trong vòng hai-ba năm tới, sẽ có nhiều khoản chi khác cần lo liệu.

Theo quyết định mới đây của Tòa Thánh, người chịu trách nhiệm về tài chính không phải là Cáo thỉnh viên, mà là một người có chức vụ đặc biệt, là Quản lý tài chính. Cụ thể, trong trường hợp này, Đức Cha Tri Bửu Thiên đã chọn người chịu trách nhiệm : đó là cha Carolô Hồ Bạc Xái, Tổng đại diện Giáo phận Cần thơ, và giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý.

Tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính đều cần phải thông qua cha Carôlô Xái. Cha ấy sẽ hướng dẫn cụ thể.

Để trả nợ cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, xin anh chị em thêm lời cầu nguyện, để công việc phong chân phước cho cha thành công, và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho những vị đang làm việc cho mục tiêu ấy.

 

Santa Ana, Orange County, Ca, 03/03/2018

WE BELIEVE THAT GOD CREATES.

LỄ GIỖ LẦN THỨ 72 CỦA

CHA PHANXICÔ XAVIÊ TRƯƠNG BỬU DIỆP

Gx Đức Mẹ La Vang, Santa Ana, California, 03/03/2018

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 72 của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Đối với mọi người chúng ta, đây là một ngày quan trọng, bởi vì chúng ta yên mến, ái mộ Cha Diệp. Đây là một ngày tràn đầy niềm hy vọng : chúng ta hy vọng rằng một ngày gần đây Giáo hội Công giáo sẽ tuyên thánh cho ngài. Trong trái tim của chúng ta, ngài có phải là một vị thánh hay không ?

Nhưng hôm nay, như trong các thánh lễ khác, chúng ta cần phải đặt Chúa Giêsu vào đúng chỗ : sứ điệp Phúc Âm cao quý của Chúa là trung tâm điểm của lễ giỗ hôm nay, và đó là sứ điệp của sự sống cho tất cả chúng ta. Hôm nay, cha xin mời anh chị em hãy khám phá rằng cuộc sống và cái chết của Cha Diệp phản chiếu cách trung thành cuộc sống và cái chết của chính Chúa Giêsu – đó là một tấm gương trung thực của Tin Mừng.

Chúng ta vừa nghe câu chuyện của Người con hoang đàng. Chúng ta thường để ý đến đứa con không xứng đáng này, đã chịu nạn đói, và cuối cùng nhớ cha, nhớ nhà của mình. Nhưng ngày hôm nay chúng ta nên tập trung vào cha của cậu ấy. Dụ ngôn có thể đổi tên, gọi là “dụ ngôn của người cha thương xót”. Hãy nghe lại những lời này (Lc 15:20) : « Khi cậu còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương ; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. »

Vào năm 1945-1946, Việt Nam bị nạn đói (do quân đội Nhật cướp hết gạo thóc), và chiến tranh. Nhiều gia đình từng là nạn nhân của những thử thách nặng nề này. Ở miền Nam nhiều người nghèo không có ruộng đất đã chết đói. Trái tim của cha Diệp bị xúc động. Vì vô cùng thương xót họ, cha đã tổ chức cứu giúp. Ở giáo xứ Tắc Sậy, cha đã quyên góp gạo cho các gia đình nghèo túng. Giống như một người cha từ bi, cha Diệp đã đón nhận tất cả mọi người, có đạo hay không đạo, mà không hỏi họ thuộc về ai, đi theo đảng nào. Cha giống như người kia mà Chúa Giêsu ca ngợi trong một đoạn Tin Mừng khác (Lc 12:42) : « Người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc. »

  Khi lật qua Sách Phúc Âm, chắc chắn tất cả anh chị em sẽ tìm thấy một lời khác của Chúa Giêsu, một lời tóm tắt rất tốt cuộc sống của Cha Diệp, từ lúc chịu chức linh mục cho đến giờ cuối cùng. Chúa nói (Ga 10:11) : « Ta chính là Mục Tử nhân lành. » Rồi tiếp : « Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. »

Ở đoạn cuối của dụ ngôn con chiên lạc (Mt 18:14), Chúa Giêsu nói : « Cha của anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. »

Những lời ấy chỉ đến Chúa Cha trên Trời ; nhưng nó cũng mô tả lòng thương xót của chính cha Diệp.

Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần đã tóm lại kinh nghiệm của những người gặp cha Diệp thế này : « Ai cũng cảm nhận Cha là con người dễ thương ; ngài thương hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ, giai cấp, giáo lý, lễ nghi ; ngài thương cách riêng những người nghèo túng, khổ đau. »

Một trong những hoạt động chính của cha Diệp trong suốt cuộc đời của mình là loan báo Tin Mừng cho những người không phải Kitô hữu. Đức cha Chabalier, là giám mục của cha Phanxicô Trương Bửu Điệp, đã nhận xét rằng cha là một nhà truyền giáo hăng hái trong vùng Bạc Liêu. Ngài thiết lập nhiều giáo đoàn mới trong vùng này và không ngừng tìm kiếm những con chiên vẫn còn ở ngoài đàn chiên, để đưa họ về với Chúa.

Trong Thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt và bị giết, cha đã tuyên bố cho dân biết và cho kẻ thù hay :

« Tôi sống giữa chiên và tôi sẵng sàng chết với chiên của tôi. Tôi không đi đâu cả. » Cha hạt trưởng Bạc Liêu khẩn khoản mời ngài rời khỏi chỗ ấy về nơi an toàn ; nhưng cha kiên định, quyết tâm ở lại với đoàn chiên của mình. Cha không sợ hãi những nguy có trước mắt, thậm chí là cái chết : không chịu bỏ rơi con chiên. Cuối cùng cha đã chết vì nhiều người, kể cả vì những người không có đạo. Sự can đảm của cha gợi nhớ lại hình ảnh của Chúa Giêsu trong vườn Ô-liu, khi nói (Ga 18:8) : « Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi ! »

Bởi vì cha Diệp quyết định ở lại với con chiên của mình, mà không bỏ họ, cho nên đã bị giết. Tin mừng theo thánh Gioan ghi tiếp lời của mục tử nhân lành (Ga 10:17-18) : « Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi… Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. »

Dường như kẻ thù, những người đã quyết định và âm mưu giết Cha Diệp chết, đã vô tình thực hành một lời khác của phúc âm. Vào cuối bữa Tiệc Ly, lúc ra đến Vườn Ô-liu, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ (Mt 26:31) : « Ðêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép : Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. »

Vâng, kẻ thù đã suy nghĩ nhiều đến cách để đạt được mục đích của mình. Cha Diệp là một trở ngại không thể không loại trừ trên con đường chinh phục của mình để thống trị vùng đất ấy. Nhưng dân, cả Kitô hữu lẫn đa số người lương, chỉ mong muốn theo cha ; họ tin vào cha và không muốn tin tưởng họ.

Vì vậy, họ đã quyết định : « Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác thôi ! » Nhưng họ đã bị nhầm lẫn nặng nề. Sau cái chết của mục tử nhân lành, con chiên đã đứng lên, với sự can đảm mới ; và sự can đảm ấy được kéo dài đến tận ngày nay.

Trong khi kẻ thù đã làm theo một lời của Chúa Giêsu, Cha Diệp mượn lời của chính người lên án Chúa Giêsu, là Thượng tế Caipha (Ga 11:50-53). Ông ấy đã nói với quân đồng minh : « Các ông chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. »

Thật ra, cha đã yêu cầu kẻ thù cứu mạng sống của những người khác bị bắt giam trong lẫm lúa, bằng cách cha nộp mạng sống của mình trong vòng tay của họ. Thánh Gioan tác giả Tin Mừng đã viết : « Ðiều đó, ông Cai-pha không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Ðức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. » Anh chị em có nghĩ rằng những lời đó của thánh Gioan cũng thích hợp với cái chết của cha Diệp không ? Cha có phải chịu chết để dân đang tản mác khắp nơi được quy tụ vào đại gia đình của con cái Thiên Chúa không ?

  Đầu lễ nghi Thứ Sáu tuần thánh, chúng ta sẽ nghe lời tiên tri của ngôn sứ Isaia (Is 53:4-10) về một Tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, một tôi tớ vô danh. Những lời đó chắc chắn chỉ đến Chúa Giêsu. Mà chúng cũng mô tả một cách rõ ràng ý nghĩa của cái chết vinh quang của Cha Phanxicô Diệp, Tôi tớ Thiên Chúa : « Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta… Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả… Người thinh lặng chẳng hé môi…

Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối… Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân. »

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tin vào Chúa, hãy tin vào Tin Mừng, và cha Phanxicô Diệp chắc chắn sẽ cầu bầu cho chúng ta !

SERMON ONE

SERMON TWO

SERMON THREE

SERMON FOUR

SERMON FIVE

SERMON SIX

SERMON SEVEN

SERMON EIGHT

Next Sermon

  • 0 days
  • 0 hours
  • 0 minutes
  • 0 seconds

Contact Us

Send us an email and we'll get back to you, asap.

Send Message